Bitcoin là gì? Và cách mà Bitcoin vận hành

Bitcoin là gì?

Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số phi tập trung, là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới. Người/ nhóm sáng lập ra Bitcoin có tên là Satoshi Nakamoto. Bitcoin được bắt nguồn từ ý tưởng nền tảng là một hệ thống thanh toán điện tử dựa trên những bằng chứng mật mã, thay vì sự tin tưởng.

Việc áp dụng giao thức ngang hàng (peer-to-peer) của bitcoin đối với tất cả các giao dịch cho phép giao dịch được thực hiện trực tiếp từ người gửi tới người nhận. Đồng thời, chi phí giao dịch khá thấp. Và không cần đến sự hiện diện của một trung gian nào.

Không giống như tiền truyền thống (tiền tệ Fiat) do chính phủ ban hành và kiểm soát, Bitcoin được vận hành bởi một hệ thống đa máy tính trên toàn thế giới. Điểm khác biệt ở đây là mọi người đều có quyền truy cập vào hệ thống này thay vì chỉ một cơ quan/ tổ chức/ chính phủ. Điều đó đồng nghĩa với việc nó không hề bị một máy chủ duy nhất chi phối. Toàn bộ giao dịch được công khai trên hệ thống cho mọi người cùng xem từ mọi nơi trên thế giới.

Tại sao Bitcoin được ưa chuộng?

– Tiền kỹ thuật số không phụ thuộc vào bất kỳ tổ chức tài chính hay chính phủ nào, nó mang tính phi tập trung.

– Người dùng có thể dễ dàng mua bitcoin ở khắp mọi nơi.

– Bitcoin được chấp nhận dùng để thanh toán sản phẩm và dịch vụ ở nhiều nơi.

– Tất cả các giao dịch với tiền kỹ thuật số được ghi lại và công khai một cách minh bạch. Mọi người đều có thể xem những giao dịch này. Tuy nhiên, thông tin của cả người gửi lẫn người nhận đều không bị công khai. Tất cả những gì chúng ta có thể thấy chính là giao dịch giữa một địa chỉ ví này với một địa chỉ ví khác. Đây là một bước tiến lớn trong việc phát triển và nâng cao tính bảo mật thông tin cá nhân cho người dùng.

Không ai có thể can thiệp vào giao dịch giữa người gửi và người nhận, vì vậy, sẽ không có giao dịch không xảy ra (tiền bị chặn lại trên đường chuyển đến người nhận). Tuy nhiên, nếu bạn chuyển nhầm tiền đến một địa chỉ ví khác, điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ không lấy lại được tiền. Vì sẽ không có bên thứ ba nào đứng ra giải quyết cho bạn, cũng như việc xác định người nhận tiền là ai là điều không thể.

– Hệ thống mạng của bitcoin có tính bảo mật cực kỳ cao nhờ vào mô hình hoạt động của chuỗi khối (blockchain). Để hack vào hệ thống blockchain, hacker phải hack vào tất cả các nút (node) trong mạng lưới của Bitcoin cùng một thời điểm. Vì thế, điều này rất khó có thể xảy ra.

– Không như những đồng tiền khác được chính phủ ban hành, không ai có thể làm giả bitcoin như in tiền giả. Điều này giúp nâng cao mức độ tin tưởng đối với người muốn mua và sở hữu bitcoin.

Blockchain là gì?

Trước khi tìm hiểu cụ thể hơn về cách thức hoạt động của bitcoin, hãy cùng nhau định nghĩa blockchain (chuỗi khối).

Blockchain là công nghệ chuỗi khối cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp. Chúng ta có thể hình dung chúng như những khối (block) thông tin, được kết nối với nhau theo thứ tự thời gian bằng những sợi dây xích (chain) vững chắc cùng với một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận và thông qua thì không thể nào thay đổi được. Chính điều này giúp góp phần ngăn chặn sửa chữa và tạo thông tin sai lệch nhằm trục lợi cá nhân.

Sự kết hợp tuyệt vời của 3 loại công nghệ blockchain là những lý do khiến nhiều người quan tâm đến blockchain cũng như bitcoin: mật mã học, mạng ngang hàng, lý thuyết trò chơi. Chúng tạo ra những tiến bộ vượt bậc trong việc đảm bảo sự minh bạch, tính toàn vẹn và bảo mật thông tin người dùng. Việc lưu trữ dữ liệu cũng được hoàn thiện hơn nhờ vào sự sao lưu của các nút (node) trong mạng, tại nhiều nơi trên thế giới thay vì chỉ lưu trên một máy chủ duy nhất. Cuối cùng, để tạo ra sự đồng thuận, thông tin được các nút chấp nhận, tất cả các nút tham gia vào hệ thống với tuân thủ luật chơi. Bởi vì tất cả các máy tính chạy blockchain đều có danh sách các khối và giao dịch giống nhau, được hiển thị rõ ràng nên không ai có thể gian lận hệ thống.

Cách thức hoạt động của Bitcoin

Hệ thống Bitcoin là một tập hợp gồm nhiều máy tính khác nhau (các node) cùng chạy mã của Bitcoin và lưu trữ chuối khối của nó. Vì tính bảo mật cao, để thực hiện một hành vi bất chính, kẻ xấu sẽ cần vận hành 51% sức mạnh tính toán tạo nên bitcoin. Tuy nhiên, do lượng bitcoin trong chuỗi ngày càng được mở rộng một cách nhanh chóng, rất khó có thể xảy ra một cuộc tấn công như vậy.

Mạng lưới tiền điện tử bitcoin
Tính bảo mật tăng lên khi càng có thêm nhiều nút gia nhập vào mạng lưới

Trong trường hợp một cuộc tấn công xảy ra, các thợ đào bitcoin (những người tham gia vào mạng lưới bitcoin) có thể sẽ chuyển sang một blockchain mới. Điều này khiến nỗ lực của kẻ tấn công trở nên lãng phí.

Số dư của token bitcoin được lưu giữ bằng cách sử dụng “khóa” công khai và riêng tư. Chúng là những chuỗi dài gồm số và chữ cái được liên kết thông qua thuật toán mã hóa toán học. Khóa công khai đóng vai trò là địa chỉ được công bố với thế giới và nơi những người khác có thể gửi bitcoin. Khóa cá nhân (có thể so sánh với mã PIN ATM) được coi là một bí mật bảo vệ và chỉ được sử dụng để cho phép truyền bitcoin. Không nên nhầm lẫn khóa bitcoin với ví bitcoin. Ví bitcoin là một thiết bị vật lý hoặc kỹ thuật số, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch bitcoin và cho phép người dùng theo dõi quyền sở hữu của đồng tiền.

            Công nghệ ngang hàng (peer-to-peer)

Bitcoin là một trong những loại tiền kỹ thuật số đầu tiên sử dụng công nghệ peer-to-peer (ngang hàng) để tạo điều kiện thanh toán tức thì. Các cá nhân và công ty độc lập sở hữu sức mạnh tính toán chi phối và tham gia vào mạng bitcoin (thợ đào bitcoin) chịu trách nhiệm xử lý các giao dịch trên blockchain và được thúc đẩy bởi phần thưởng (phát hành bitcoin mới) cùng với phí giao dịch được thanh toán bằng bitcoin.

            Khai thác Bitcoin

Khai thác bitcoin là quá trình bitcoin được phát hành và cho vào lưu thông. Đó là quá trình giải câu đố, tính toán đề khám phá ra một khối mới, sau đó thêm nó vào blockchain.

Khai thác Bitcoin bổ sung và xác minh các bản ghi giao dịch trên toàn mạng. Phần thưởng cho việc đào bitcoin giảm đi một nửa sau mỗi 210,000 khối. Vào 11/05/2020, đợt giảm thứ 3 xảy ra khiến cho phần thưởng đào hiện tại chỉ còn là 6.25 bitcoin cho mỗi lần phát hiện ra khối.

Có tổng cộng 21 triệu BTC (tổng số bitcoin đã được tạo ra). Tính đến 24/02/2021, đã có 18.638 triệu bitcoin đã được đào. Vậy số lượng bitcoin còn lại chỉ vỏn vẹn 2.362 triệu.

Bitcoin có hợp pháp không?

Hiện tại thì vẫn chưa có thông báo chính thức về việc sử dụng đồng Bitcoin một cách hợp pháp tại Việt Nam nên nó vẫn chưa được dùng để thanh toán sản phẩm, dịch vụ ở đây. 

Bên cạnh đó, do tính chất có hạn và không thể tạo ra được, Bitcoin được ví như vàng kỹ thuật số. Vậy nên, trừ trường hợp Bitcoin bị những kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo, câu chuyện Bitcoin lừa đảo là không đúng.

5 1 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x
Portfolio